10 công trình Kiến trúc nổi bật toàn cầu năm 2016
Cuối tháng 12/2016 vừa qua, nhà phê bình Anh quốc Olivier Wainwright đã tổng hợp, lựa chọn những công trình kiến trúc nổi bật toàn cầu trong năm 2016 với mong muốn ghi nhận những công trình cho thấy sự phát triển của nền kiến trúc trên toàn thế giới. Đặc biệt, Việt Nam với công trình xưởng gốm có tên “Terra Cotta Studio” có cấu tạo từ hệ khung tre do Tropical Space thiết kế cũng nằm trong danh sách này.
Ethiopia đã trải qua một thập kỉ dài với sự phát triển kinh tế – xã hội trong sự xung đột sắc tộc. Dù vẫn thuộc những nước nghèo nhất thế giới, nhưng sự gia tăng của tầng lớp trung lưu (và vốn nước ngoài) tại đây đã mang lại những nhu cầu về sản phẩm và dịch vụ, tạo nên những sự thay đổi chưa từng có trong các đô thị.
Tại thủ đô của Ethiopia, một ngôi chợ được xây dựng lấy cảm hứng từ Mercato – khu chợ địa phương lớn nhất châu Phi. Với việc loại bỏ bề mặt kính thường thấy ở các trung tâm thương mại, ngôi chợ sử dụng vật liệu bêtông đúc sẵn với các hoạ tiết truyền thống Ethiopia để lấy sáng và hoạt động như một công trình công cộng hoà hợp với môi trường. Không gian rộng lớn bên trong tối ưu sự lưu thông gió, mái công trình được tăng cường những “ô quang điện” nhằm tăng hiệu quả chiếu sáng.
Nhà thờ Capilla San Bernardo / Nicolás Campodónico (Argentina)
Nằm ở phía Đông tỉnh Córdoba – trong một địa điểm không ai ngờ tới – KTS Nicolás Campodónico đã kết hợp yếu tố tự nhiên và vật liệu gạch để tạo nên một nhà thờ nằm tại ranh giới giữa khu dân cư và một cánh đồng rộng lớn. Khi mặt trời lặn, ánh sáng tự nhiên mang tới sự ấm áp, thanh tịnh và một biểu tượng cho công trình (bóng đổ tạo hình cây thánh giá). KTS đã khéo léo sử dụng vật liệu gạch để tạo nên một nhà thờ hình cầu với đường kính 6m. Cấu trúc này không chỉ mang tính thẩm mĩ mà còn gợi nhắc tới hình dáng của những lò nung gạch truyền của ở Argentina.
UVA El Paraíso / EDU (Colombia)
Từ một địa điểm được biết đến là nơi tập trung ma tuý trong thập niên 80- 90, TP Medellín ngày nay đang dần phục hồi và thay đổi với sự đầu tư của chính quyền cho những công trình kiến trúc. Dự án Unidades de Vida Articulada (UVA) do Công ty phát triển đô thị Medellín (EDU) thực hiện là một ví dụ điển hình cho sự tân tiến mang lại những không gian công cộng chất lượng cho thành phố. Nằm trong khu dân cư nghèo, đông đúc, công trình chủ yếu tận dụng, cải tạo những yếu tố sẵn có để tạo nên một không gian cho những hoạt động văn hoá, trình diễn và thể thao. Đây là một ví dụ điển hình cho những tác động tích cực của hoạt động đầu tư vào kiến trúc và quy hoạch, giúp cải thiện môi trường sống trong thành phố.
Cảng du thuyền Leixões/ Luís Pedro Silva Arquitecto (Bồ Đào Nha)
Cầu cảng du thuyền Leixões không chỉ là một thiết kế đẹp về tạo hình với những đường uốn lượn trải dài, mà còn ăn khớp một cách hoàn hảo với địa điểm xây dựng – tại trung điểm kết nối giữa đường dạo ven biển South Matosinhos và bể bơi Piscinas de Marés của KTS Álvaro Siza (đều là những địa danh nổi tiếng). Công trình được hi vọng sẽ đón hơn 130.000 hành khách mỗi năm và hiện đang được sử dụng kết hợp với Công viên Khoa học và Công nghệ hàng hải của Đại học Oporto. Những nghệ nhân địa phương đã tạo nên những viên gạch gốm lục giác để tạo nên bản giao thoa giữa kiến trúc hiện đại và truyền thống “calçada” của Bồ Đào Nha.
Terra Cotta Studio / Tropical Space (Việt Nam)
Xưởng gốm của nghệ nhân Lê Đức Hà nằm bên bờ sông Thu Bồn, là nơi tập trung của những làng nghề gốm và lụa. Với cấu tạo từ hệ khung tre, công trình mang tới cho các nghệ nhân một không gian linh hoạt để sáng tác, thưởng trà, nghỉ ngơi và trưng bày những tác phẩm một cách an toàn, tránh khỏi nước lũ ven sông. Ngoài vẻ đẹp của tre và gạch đất nung, công trình là một sự kết hợp hoàn hảo giữa những yếu tố đặc rỗng trên các mặt đứng, giúp khơi gợi không gian bên trong mà vẫn đảm bảo tính riêng tư của người nghệ sĩ, song song với việc thúc đẩy lưu thông gió và sự kết nối với ngoại cảnh.
Trường cộng đồng Nữ sinh / Orkidstudio (Sierra Leone)
Tại đất nước Sierra Leone, rất nhiều dự án phải đối mặt với những thực trạng về xung đột xã hội, giáo dục và những cuộc khủng hoảng y tế công cộng. Văn phòng Kiến trúc Orkidstudio đã đề cao vai trò của kiến trúc trong những cuộc khủng hoảng – Để tránh tiếp cận mang tính áp đặt và nhằm xã hội hoá hoạt động xây dựng, trường cộng đồng nữ sinh ở Sierra Leone được hình thành như một giải pháp hàn gắn những vết nứt xã hội tại đây. Thiết kế kiến trúc của công trình đã tác động và thúc đẩy người dân đóng góp vào quá trình biến chuyển xã hội tại Quốc gia châu Phi này.
Trung tâm văn hoá Hồi giáo DaChang/ Viện nghiên cứu và thiết kế kiến trúc SCUT (Trung Quốc)
Trung Quốc hiện có trên 20,000 nhà thờ Hồi giáo khắp lãnh thổ, đạo Hồi là tôn giáo lớn thứ 3 tại đây. Trung tâm văn hoá Hồi giáo Dachang nằm gần Thủ đô Bắc Kinh, với những đường cong, mái vòm và biểu tượng Hồi giáo được thể hiện bằng những vật liệu mới, tỉ lệ khối tích rất lớn… Kiến trúc TT văn hoá Hồi giáo Dachang mang lại một không gian lí tưởng cho các hoạt động của cộng đồng Hồi giáo vốn đã cắm rễ sâu trong cộng đồng dân cư phía Tây Trung Quốc, vốn nằm sát các siêu đô thị ven biển.
Trung tâm văn hoá Quỹ Stavros Niarchos / Renzo Piano Building Workshop (Hy Lạp)
Đầu tư cơ sở hạ tầng cho Thế vận hội Olympics thường mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp tư nhân nhiều hơn là cho thành phố. Tại Athens (Hy Lạp), có rất nhiều công trình thể thao đã bị bỏ hoang kể từ Thế vận hội 2004. Tuy nhiên, sau 12 năm, dự án tái sử dụng một bãi đỗ xe cũ trong khuôn viên đường đua xe Olympics đã trở thành cơ sở mới cho Thư viện Quốc gia và Nhà hát Quốc gia của Hy Lạp. Concept được hình thành từ chính chiều cao nguyên bản của công trình cũ, KTS Renzo Piano chỉ đơn giản tạo ra một lá phổi xanh mới cho thành phố và kết nối những mảng miếng đô thị tại cảng Kallithea với biển. Dự án đồng thời cũng sử dụng năng lượng mặt trời để tiết kiệm điện năng. Trong bối cảnh những công trình văn hoá đang ngày càng được coi trọng, người ta đã tích hợp vào công trình này cơ sở của Trung tâm văn hoá Quỹ Stavros Niarchos.
Thư viện cộng đồng Constitución/ Sebastián Irarrázaval
(Chi-lê)
Nằm giữa Thái Bình Dương và cửa sông Maule, Constitución là một trong những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề trong trận động đất 8.8 độ tại Chi-lê hồi 2010. Là kết quả của quá trình chuyển hoá đô thị, một trong những công trình được xây dựng tại trung tâm thành phố là Thư viện công cộng Constitución do KTS Sebastián Irarrázaval thiết kế. Ba khối lập phương được phân theo ba chủ đề của thư viện tương ứng với ba lời chào đón, ba phòng trưng bày. Là thành phố thủ phủ của gỗ công nghiệp, kiến trúc sư đã tận dụng những người thợ lành nghề địa phương và nguồn gỗ dồi dào để xây dựng công trình với hệ khung gỗ được làm nổi bật.
Salas de Lectura / Fernanda Canales (Mexico)
Kiến trúc tại châu Mỹ Latin gần đây thường được chú ý với những dự án cải tạo không gian công cộng trong đô thị. Một bối cảnh đơn giản cũng có thể đưa tới nhiều phương án thiết kế: Quỹ đất cho các dự án là các khu đất bỏ hoang, thuộc về cộng đồng và hữu hạn, vì vậy, cần tạo nên những dự án đa chức năng cho nhiều nhu cầu khác nhau., KTS Fernanda Canales đã đề xuất một môđun văn hoá từ bê tông, kích thước đúng bằng một bãi đỗ xe trong khu dân cư ở châu Mỹ Latin (2,5x5m) để có thể vừa vặn với những cấu trúc đô thị cũ. Để đáp ứng nhiều mục đích sử dụng, hình dạng công trình được thiết kế để tối ưu hoá không gian nội thất, trong khi bên ngoài có thể linh hoạt thay đổi theo yêu cầu của từng hoạt động. Như một chiếc đèn lồng chiếu sáng, công trình nhằm đảm bảo an toàn cho khu vực xung quanh.
An Du – Đức Thành / tckt.vn (Biên dịch từ Archdaily)
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01-2017)