Kinh đô Huế, đô thị nước của tiền nhân

Kinh đô Huế, đô thị nước của tiền nhân

198

Từng bỏ nhiều thời gian ra Huế nghiên cứu cách thức xây dựng kinh đô của ông cha, Quy hoạch sư Nguyễn Đỗ Dũng đã khám phá nhiều điều đáng học hỏi khi vương triều Nguyễn thiết kế được một đô thị sống hài hoà, gần gũi với thiên nhiên, đặc biệt là việc tận dụng hệ thống sông ngòi, nguồn nước.

 

Kinh thành Huế là một nơi được quy hoạch rất tốt về mặt cảnh quan và cách con người ứng xử với thiên nhiên. Thượng nguồn sông Hương là vùng rừng núi. Các con sông, kênh ở kinh thành Huế nằm ở vị trí đón dòng nước chảy từ thượng nguồn sông Hương trước khi đổ ra đồng bằng và đi vào phá Tam Giang. Quy hoạch của kinh thành luôn sống chung hiền hoà với nước, điều này được thấy qua hai yếu tố: phong thuỷ (tâm linh) và thoát nước.

Ngomon2 Copy - Kinh đô Huế, đô thị nước của tiền nhân

Về mặt phong thuỷ, sông Ngự Hà nằm theo trục của kinh thành và hướng ra đỉnh Bạch Mã. Các công trình khác như chùa Thiên Mụ, Hộ Thành Hà, mộ vua Gia Long, Tự Đức… đều hướng thẳng đến những đỉnh núi xung quanh. Nhưng điều thú vị nhất là tư duy thiết kế một tuyến đường sau đó có một công trình điểm nhấn, giống một kiểu tư duy thiết kế ở châu Âu và người Pháp đã mang sang Việt Nam xây dựng nên đô thị Sài Gòn.

Cha ông hàng trăm năm trước luôn coi thiên nhiên là trung tâm của thiết kế, trung tâm thẩm mỹ của con người chứ không phải là công trình của con người.

seu8no Copy - Kinh đô Huế, đô thị nước của tiền nhân

Tuy ông cha có cùng tư duy đó nhưng khác với người Pháp: không phải là phô trương một công trình ở cuối tuyến đường mà phô trương thiên nhiên. Điều này trùng hợp với một người khai sáng ngành thiết kế cảnh quan ở Mỹ, khi thiết kế tuyến đường ở trung tâm New York đã đặt một hồ nước, khu rừng ở cuối tuyến đường, thay vì một công trình. Cha ông hàng trăm năm trước luôn coi thiên nhiên là trung tâm của thiết kế, trung tâm thẩm mỹ của con người chứ không phải là công trình của con người. Không chỉ những con đường, bản thân những dòng sông, kênh đào cũng theo hướng tiếp cận này.

Ngày xưa, hệ thống ao hồ sông ở trong kinh thành còn kiêm chức năng thoát nước. Vì vậy, khi xây dựng, vua Gia Long đã nắn sông Kim Long, đào sông Ngự Hà…, và kết nối hệ thống sông hồ trong kinh thành với nhau. Nhìn trên bản đồ địa hình, kinh thành là nơi nước từ thượng nguồn sông Hương toả ra, thế nhưng, trong dự báo vào năm 2020, khi đã có biến đổi khí hậu, kinh thành Huế lại không bị ngập. Tuy nhiên, thiên tai không bằng nhân tai, điều đáng buồn là trong mấy năm lại đây, kinh thành Huế bị ngập do hàng loạt thuỷ điện ở thượng nguồn xả nước vào mùa mưa lũ.

Ngoài chức năng cảnh quan, thoát nước và giao thông, sông Ngự Hà còn thêm chức năng giải quyết vấn đề môi trường. Một thực tế, đến giữa thế kỷ 19, hầu hết các thành phố trên thế giới không có hệ thống thoát nước thải. Lúc người Pháp đến Hà Nội, cửa sông Tô Lịch (đổ ra sông Hồng) đảm nhận thoát nước thải cho Hà Nội nhưng mùa khô mất chức năng này do bị bồi lắng. Ngược lại, ở kinh thành Huế, nước từ thượng nguồn sông Hương đổ vào sông Ngự Hà đã cuốn đi ô nhiễm, nước thải từ kinh thành. Tiếc là sau 1975, do công tác quản lý không tốt nên sự kết nối của hệ thống sông hồ ở đây không còn.

Một điểm nữa ở Huế là không riêng khu vực kinh thành mà ở ngoại thành, người dân tiếp cận và sống thuận hoà với nước. Điển hình, tại khu vực dòng sông Hương uốn khúc tại chùa Thiên Mụ, để tránh sự hung dữ của dòng nước ở đoạn uốn cong, những con đường làng được thiết kế theo hướng thuận với dòng nước chảy, giúp cho nước thoát dễ dàng hơn, giảm sức tàn phá của lũ – một tư duy khoa học mà khi thiết kế Hà Nội và Sài Gòn các nhà quy hoạch thường lãng quên. Không thiếu các khu đô thị nằm chắn ngang dòng nước và trở thành đối tượng phá huỷ khi lũ tới!

(Theo nguoidothi)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *