Triết lý “Kiến trúc Hạnh phúc” trong thời đại toàn cầu hóa
Toàn cầu hoá làm thế giới xích lại gần nhau hơn bao giờ hết, nhưng đồng thời có xu thế đẩy những cộng đồng thiệt thòi và các nhóm thiểu số ra xa. Hơn nữa, quá trình đô thị hóa ồ ạt với các thiết kế rập khuôn, áp đặt thẩm mỹ, khiến đời sống tinh thần con người ngày càng đơn điệu. Sự phát triển mất cân bằng, sự gia tăng mật độ dân số và khai thác quá mức trên nhiều khu vực tương phản với tình trạng bị bỏ rơi, bị thiếu thông tin và giáo dục yếu kém ở một phần lớn quả đất. Vì vậy, một trong những thách thức của KTS ngày nay là bằng cách nào có thể làm việc cho những cộng đồng thiệt thòi, yếu thế, có thể giúp những cộng đồng bị gạt ra lề xã hội này bảo vệ và phát huy các giá trị văn hoá bản địa, không bị hoà tan bởi các xu hướng kiến trúc thực dụng hiện đại. Nói cách khác, kiến trúc nên được thực hiện hướng về hạnh phúc cộng đồng, gìn giữ và phát triển sự đa dạng văn hóa trên quả đất và đồng thời, bằng cách như vậy, KTS có thể cống hiến, thể hiện trách nhiệm xã hội và khát vọng sáng tạo trong công việc.

Chúng tôi đề xuất triết lý Kiến trúc Hạnh phúc, và xem đó là chìa khóa góp phần giải quyết các vấn đề trên. Với ba trụ cột là Kiến trúc sư Hạnh phúc, Công trình Hạnh phúc và Người sử dụng Hạnh phúc, triết lý Kiến trúc Hạnh phúc được tác giả đúc kết từ thực tiễn hành nghề, từ quá trình không chỉ đơn thuần tạo ra các toà nhà, không gian tiện nghi và hữu ích, quan trọng hơn, từ việc hướng tới tương lai của văn hoá và con người.

Kiến trúc Hạnh phúc: Hướng tới tương lai, vì văn hóa và vì con người
Thực tế hơn 20 năm làm kiến trúc tại Việt Nam – một đất nước đến nay vẫn còn nhiều khó khăn kinh tế, khoa học công nghệ lạc hậu, bản thân chúng tôi đã hình thành và từng bước áp dụng một triết lý kiến trúc hướng tới hạnh phúc bền vững của con người – đó là triết lý “Kiến trúc Hạnh phúc” (KTHP). Bước đầu đã thu được kết quả nhất định, được các đồng nghiệp trong nước và quốc tế chia sẻ, có những phản hồi/phản biện/ tích cực [1, 2, 3].
Triết lý Kiến trúc Hạnh phúc – Ba trụ cột
Nhằm mang lại hạnh phúc cho người sử dụng và xã hội; nhằm bảo vệ sự đa dạng văn hoá nói chung và trong kiến trúc nói riêng, triết lý Kiến trúc Hạnh phúc (KT HP) dựa trên 3 trụ cột: KTS Hạnh phúc (KTS HP), Công trình Hạnh phúc (CTHP) và Người sử dụng Hạnh phúc (NSD HP).
KTS Hạnh phúc là ai?
Từ trước tới nay các trào lưu kiến trúc bao giờ cũng chỉ tập trung xây dựng, phát triển phong cách, ngôn ngữ ở bản thân công trình, tác phẩm kiến trúc. Yếu tố KTS hầu như chưa được đặt ra ở trung tâm cuộc thảo luận. Nhằm bảo vệ tính đa dạng kiến trúc và khắc phục sự bất bình đẳng, giới KTS cần chủ động dấn thân tìm kiếm những hình thức, phương thức hỗ trợ nhà nước và các tổ chức xã hội tháo gỡ khó khăn, bế tắc hiện nay.
Thực tế hành nghề phổ biến của giới kiến trúc hiện nay chỉ chú trọng đáp ứng yêu cầu chủ đầu tư – Họ thiết kế thoả mãn những đòi hỏi của các cá nhân/tổ chức vì mục tiêu vụ lợi, hay tôn vinh địa vị, gia thế của chủ đầu tư, quên mất hay phớt lờ trách nhiệm dẫn hướng – “kiến thiết xã hội”. Xu hướng tạo ra những kiến trúc quá kỳ vĩ nhằm thể hiện “cái tôi”, áp dụng những công nghệ hiện đại nhất, sáng tạo những hình thái kiến trúc bắt mắt nhất cũng góp phần làm kiến trúc trở nên xa lạ, tốn kém, không thân thiện với con người, với môi trường.
Những mục tiêu “thể hiện bản thân”, công việc ổn định, có thu nhập và nhiều lợi nhuận khác khiến các KTS, văn phòng kiến trúc – vô tình hay cố ý – dần quên lãng những tư tưởng nhân văn, những mục tiêu cao cả mà chắc chắn họ vốn có và từng ấp ủ với tư cách trí thức (intellectual). Tiếp tục hành nghề như vậy, KTS dù thu nhập ổn định, làm ra những công trình đồ sộ, hiện đại, họ vẫn không có được hạnh phúc lâu bền. Họ chỉ vui trong ngắn hạn hay hạnh phúc nhất thời khi nhận thù lao thiết kế “đãi bôi”. Thực sự, thâm tâm họ không có niềm vui dài lâu, bền vững và cũng không thấy tâm hồn mình thanh thản.
Theo các nghiên cứu mới nhất về tâm lý học hiện đại của các chuyên gia hàng đầu thế giới Sonja Lyubomirsky, Kennon M. Sheldon và David Schkade [4], có ba yếu tố chính ảnh hưởng đến hạnh phúc bền vững của một chủ thể: Gen di truyền, ngoại cảnh, và hoạt động có ý chí. Trong ba yếu tố này, hoạt động có ý chí và hướng thượng của cá nhân đóng vai trò quan trọng và có triển vọng nhất trong việc nâng cao mức độ hạnh phúc và độ bền vững hạnh phúc của cá nhân đó.
Như vậy, khi KTS ý thức được những điều sau:
– Tình trạng bất bình đẳng trong xã hội (về mặt kiến trúc): Những nhóm người yếu thế không có kiến trúc hoặc không đủ khả năng thuê KTS;
– Trách nhiệm dấn thân của giới kiến trúc trong việc xoá bỏ những bất bình đẳng (đặc biệt quan tâm phụng sự những cộng đồng yếu thế sống trong những vùng sâu, vùng xa hay những khu vực đô thị kém phát triển);
– Trách nhiệm trong việc hạn chế xu hướng kiến trúc thực dụng, những ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng kiến trúc rập khuôn, áp dụng công nghệ ồ ạt, vì lợi ích thuần tuý của chủ đầu tư mà bỏ qua những khía cạnh văn hoá, nhân văn; thì lúc đó KTS sẽ có tầm nhìn, sẽ xác định được những mục tiêu cụ thể và hành nghề không nhân danh gì ngoài sáng tạo vì văn hoá và con người.
Trong sự tự ý thức, tu thân, và quá trình sáng tạo bền bỉ, liên tục, kiên định thử và sai, thông qua các hoạt động có chủ ý, KTS sẽ có được niềm vui và hạnh phúc lâu bền trong cống hiến (và sớm hay muộn, đóng góp của họ sẽ được xã hội công nhận, cộng đồng tôn vinh, được đền đáp xứng đáng cả về vật chất lẫn tinh thần).

Công trình Hạnh phúc là gì?
Winston Churchill từng nói: “Chúng ta định hình các tòa nhà của mình, và sau đó các toà nhà định hình chúng ta”. Nguy cơ của kiến trúc hiện đại là tạo nên những “cái máy để ở”. Nguy cơ của kiến trúc tiết kiệm năng lượng, kiến trúc xanh là tạo ra những “máy năng lượng”. Các xu hướng kiến trúc xanh, kiến trúc bản địa, bền vững … đã phần nào làm không gian sống bền vững hơn, thân thiện hơn, song những trào lưu kiến trúc lạm dụng kỹ thuật và chất liệu, lặp lại, đơn điệu, vô cảm … vẫn diễn ra khắp nơi.
Đáp ứng những nhu cầu về không gian cư trú/sinh hoạt an toàn, khoẻ mạnh, tiện nghi chưa đủ, kiến trúc ngày nay cần trở thành một thực thể hữu cơ, tương tác và cộng sinh với người sử dụng, cộng sinh với môi trường xung quanh. Hơn nữa, công trình kiến trúc phải có đời sống riêng: Có quá khứ (truyền thống, lịch sử), có tương lai (bền vững, có khả năng cải tạo và phát triển theo mục đích người sử dụng và/hoặc những thành tựu mới của khoa học, công nghệ, trong đó có khoa học kiến trúc…). Ngoài ra, công trình cần tạo lập hoặc góp phần tái khám phá những giá trị văn hoá, lịch sử bản địa, nâng cao lòng tự hào về truyền thống, nâng cao dân trí; Nó là chỉnh thể có khả năng truyền cảm hứng và lan tỏa (trở thành hình mẫu để kế thừa, phát triển; góp phần định hình thẩm mỹ, giáo dục thẩm mỹ cho cá nhân và cộng đồng). Bản thân công trình có nội lực tự bền vững: Vừa kết nối với thế giới xung quanh, vừa tự cường, không bị “hòa tan”, nó hàm chứa năng lực tự bảo vệ, có sắc thái riêng trong bối cảnh xã hội thông tin, trong “thế giới phẳng” toàn cầu hoá.
Và kiến trúc sẽ là một “ngạc nhiên bền vững”. Sau cảm giác ấn tượng vì tính hiện đại, kỳ vĩ, bắt mắt, lạ lẫm, gây sốc – những điểm cũng cần thiết nhất định ở một công trình kiến trúc – thì theo thời gian, nó vẫn không bị lạc lõng; vẻ đẹp dung dị và thú vị của nó ngày càng được người sử dụng, cộng đồng, và thậm chí cả các sinh vật, động vật trong thiên nhiên liên tục khám phá, phát hiện, liên tục tìm thấy những ngạc nhiên, hấp dẫn mới. Do đó, nó không chỉ là một công trình tốt, nó là công trình hạnh phúc bền vững, có tiềm năng làm con người sống trong những không gian đó trở thành người sử dụng hạnh phúc [2,3,7]. Những đô thị cổ kính ở châu Âu, châu Á, những ngôi làng nông thôn Bắc bộ vẫn luôn gây ngạc nhiên thích thú cho con người thời nay; chùa Một Cột, kim tự tháp kính nằm chính giữa sân cung điện Louvre – Paris đến nay đã chứng tỏ là một “ngạc nhiên bền vững”, chứ không chỉ là yếu tố lạ, gây sốc tức thời; phố cổ Hội An hàng trăm năm tuổi vẫn là điểm đến hấp dẫn du khách quốc tế và là một “ngạc nhiên bền vững” cho chính cư dân sống tại đó…
Xã hội hiện đại xuất hiện những nhu cầu mới, hiện đại – tất yếu sẽ có những “ngạc nhiên bền vững” mới, thú vị.
Chìa khoá làm nên công trình hạnh phúc – hay nói cách khác, tạo ra “ngạc nhiên bền vững” – là sự kết hợp tri thức hàn lâm, lý thuyết hiện đại và yếu tố văn hoá dân gian cốt lõi của địa phương. Trong thiết kế, chính sự tương tác liên tục giữa hàn lâm và dân gian về mặt không gian, kết cấu, vật liệu, tâm sinh lý… là các kênh quan trọng dẫn đến “ngạc nhiên bền vững”, dựa trên nguyên tắc: 1+1>2 (theo ngôn ngữ toán học: mỗi thành tố hàn lâm/dân gian cần có giá trị ~ 1 hoặc > 1, thì tổng của chúng sẽ tiến tới >2).

Người sử dụng Hạnh phúc là ai?
Xét góc độ hẹp trong lĩnh vực kiến trúc, con người nói chung hay người sử dụng nói riêng có thể tìm thấy ở công trình/môi trường kiến trúc những niềm vui và hạnh phúc, dù nhỏ nhoi hay lớn lao.
Là hệ quả tất yếu, người sử dụng các CTHP có khả năng thụ hưởng những cơ sở cư trú và sinh hoạt an toàn; cảm thấy ấm cúng, khỏe mạnh, khoan khoái. Hơn thế, những CTHP được thiết kế tốt có tiềm năng mang lại cho người sử dụng cảm hứng tăng năng suất lao động, và do đó, có thu nhập tốt, có sản phẩm hữu ích cho xã hội và/hoặc có những sản phẩm mang tính sáng tạo.
Bên cạnh đó, người sử dụng có cảm hứng và nảy sinh nhu cầu tương tác với những người xung quanh một cách thân thiện, nhân ái, có cảm hứng tương tác với kiến trúc, với môi trường (quý trọng, bảo vệ, chăm lo tới sự bền vững của công trình, của môi trường cảnh quan thiên nhiên; đầu tư tiền bạc và tư duy, thời gian để duy tu, nâng cấp, cải tiến, phát triển một cách sáng tạo công trình và cả tổng thể không gian sống xung quanh). Họ cảm thấy bản thân hoà đồng với kiến trúc, trở thành bộ phận cộng sinh của một không gian sống hài hoà, ít xung đột và giảm thiểu tác động tai hại tới sinh quyển, tâm quyển. Đạt được những khả năng như trên, người sử dụng có cơ may trở thành NSDHP [3,4].
Và cao hơn, NSDHP – trong đó có các chủ đầu tư – sẽ trở thành những người có lẽ sống, biết mưu cầu hạnh phúc bền vững và có khát vọng cống hiến mang lại hạnh phúc bền vững cho người khác, cho gia đình, cho cộng đồng, xã hội. Tất nhiên, KTSHP cũng là một thành viên của cộng đồng NSDHP.
Sự ra đời của Triết lý “Kiến trúc Hạnh phúc” và một số kinh nghiệm thực tiễn
Hoàn cảnh ra đời
Triết lý KTHP không xuất hiện ngẫu nhiên, đó là kết quả xâu chuỗi hơn 20 năm làm nghề, của những băn khoăn cá nhân và từ hạn chế của các lý thuyết kiến trúc hiện đại trong việc giải quyết những bi kịch của “hoàn cảnh con người đương đại”.
Triết lý KTHP manh nha từ khi chúng tôi nghiên cứu cải tạo làng gốm Bát Tràng (năm 1994), cải tạo nhà tù Hoả Lò (Hà Nội) thành “Quảng trường Khoan dung”, thiết kế Trung tâm Hạnh phúc Bhutan, chuỗi dự án nhà cộng đồng và gần đây nhất: Trường tiểu học Lũng Luông, Thái Nguyên, đã khai giảng từ 2016.
Triết lý “Kiến trúc Hạnh phúc” có lẽ là một tất yếu ra đời trong các thực hành kiến trúc dấn thân, hướng đến những cộng đồng yếu thế. Từng bước, thử và sai, qua các dự án đa dạng (nhà ở, trường học, dự án thiện nguyện, nhà cộng đồng, …), trên nhiều khu vực (thành thị, nông thôn, miền núi, miền biển, vùng sâu, vùng xa,…). Dần dần, chúng tôi đúc kết kinh nghiệm và áp dụng triết lý hiệu quả hơn trong thực tiễn.

Một số công trình KTHP
- Nhà cộng đồng Suối Rè, Hoà Bình, 2011-2012
- Hệ thống sân chơi trẻ em Hội An, Nam Định, Huế, từ năm 2012
- Nhà cộng đồng Tả Phìn, Sa Pa, 2013
- Nhà vỏ chai cho dự án y tế cộng đồng COHED , Hải Phòng.
- Làng du lịch homestay của nông dân Nậm Đăm, Quản Bạ, Hà Giang, 2013 – nay.
- Nhà ở công nhân, Lào Cai, 2015-2016
- Nhà cộng đồng Cẩm Thanh, Hội An, VN, 2014-2015
- Trung tâm Hạnh phúc, Bhutan, 2014-2015
- Trường tiểu học Lũng Luông, Thái Nguyên, VN, 2015-2016
Những dự án sau khi hoạt động, được người sử dụng/cộng đồng, chủ đầu tư đón nhận tích cực, góp phần phát triển, kết nối cộng đồng, nâng cao văn hoá cá nhân và tập thể, làm sống lại nhiều giá trị truyền thống bản địa, truyền cảm hứng và nhân rộng ra những cộng đồng xung quanh [3,4,5].
Những bài học
Mô hình lấy phát triển kinh tế, lấy GDP (Tổng Sản phẩm Quốc nội) làm thước đo phát triển của một quốc gia đã bộc lộ nhiều bất cập, khiến đời sống cộng đồng, cá nhân con người hiện đại chất chứa nhiều bất an. Trong mối đe doạ chết người từ sự huỷ hoại sinh quyển do chính con người tạo ra trong cơn khát thèm phát triển công nghệ/đô thị vô độ và mất kiểm soát, họ cô độc, âu lo; sức khoẻ thể chất và tinh thần ngày càng bấp bênh [5], Chỉ số Hạnh phúc Quốc gia (Gross National Happiness, GNH) – do Vương quốc Bhutan đề xuất từ năm 1972 và đã áp dụng hữu hiệu vào việc xác định mục tiêu phát triển của đất nước. GNH thể hiện sự khuyến khích phát triển kinh tế phụng sự những giá trị văn hóa, tinh thần, thay vì chỉ phát triển các giá trị vật chất. GNH đã thực sự trở thành yếu tố quan trọng xây dựng mô hình phát triển kinh tế-xã hội mới. Tháng 7 năm 2011, Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết 65/309 mang tên “Hạnh phúc: Hướng tới một cách tiếp cận phát triển toàn diện”, trong đó nêu rõ “mưu cầu hạnh phúc là một mục tiêu cơ bản của con người” và “những mô hình không bền vững của sản xuất và tiêu thụ có thể cản trở sự phát triển bền vững”, “đồng thời khuyến cáo các nước trên toàn thế giới học tập và phát triển theo mô hình GNH của Bhutan”. [6,7] Góp phần khắc phục và thoát khỏi khủng hoảng toàn cầu hóa – trong đó có kiến trúc – là một trong những hướng đi hữu ích và nhân văn của Kiến trúc Hạnh phúc.
Các KTS thực hành nghề nghiệp với thước đo KTHP sẽ dấn thân, lấy cống hiến vì xã hội, vì văn hoá và con người làm lẽ sống và đích đến.
Do đó, KTS HP vừa là nhà chuyên môn, vừa tích cực hoạt động xã hội, truyền cảm hứng cho nhiều tầng lớp, biết huy động nhân lực, vật lực của nhiều cá nhân, tổ chức nhà nước, tổ chức phi lợi nhuận trong nước và quốc tế.
Như thế, vừa huy động các nguồn lực xã hội, vừa truyền cảm hứng “mưu cầu hạnh phúc” và giúp mọi người cùng “tìm được điều kiện và lối sống đạt hạnh phúc bền vững”.
Đặc biệt, cần ươm mầm xây dựng lực lượng KTS hạnh phúc: Quan tâm đến phát triển của các KTS trẻ nhiều hoài bão, đổi mới giáo dục kiến trúc trong nhà trường; phát triển sự hiểu biết sâu sắc của sinh viên, KTS trẻ về những đối thoại phức tạp giữa kiến trúc và văn hoá, kiến trúc và hạnh phúc con người; thúc đẩy năng lực phân tích, phê bình của KTS, rèn luyện sự nhạy bén và tầm nhìn rộng lớn trong mỗi dự án, tăng nhận biết về các hiệu ứng/hệ quả tiềm tàng của kiến trúc, góp phần giải quyết những vấn đề văn hoá (bản sắc và đa dạng) và con người trong thời đại kiến trúc toàn cầu hoá.
Các tổ chức nghề nghiệp, các nhà quản lý/hoạch định chính sánh (trong đó có chính sách phát triển kiến trúc, các nghị định và luật kiến trúc) cũng là những nhân tố khách quan quan trọng, có khả năng tạo cơ sở pháp lý và những điều kiện khách quan/hiệu quả cho đội ngũ KTS HP và KT HP phát triển cả về chiều rộng, chiều sâu.

Kết luận
Kiến trúc và mưu cầu hạnh phúc cho người sử dụng, cho cộng đồng xã hội – trong đó có KTS và chủ đầu tư – cần phải đặt ra trong quá trình đào tạo KTS, trong quá trình hành nghề của các cá nhân, tổ chức làm kiến trúc. KTS không thể sáng tạo một kiến trúc tốt (một CTHP) mà không nghĩ đến hạnh phúc của người sử dụng, của chủ đầu tư và chính bản thân mình. Tương tự như vậy, người sử dụng – trong đó có các KTS và chủ đầu tư – sẽ sống hoặc làm việc không thể hạnh phúc trong một không gian thiết kế tồi (không đạt các tiêu chí xanh, bền vững, hoặc trong môi trường không thân thiện, thiếu tinh thần nhân văn).
Ý thức vai trò trách nhiệm xã hội của KTS tức là không chỉ đáp ứng lợi ích của nhà đầu tư, mà góp phần đem lại công bằng xã hội, phục vụ những cộng đồng yếu thế, bị bỏ quên. Hơn bao giờ hết, kiến trúc hôm nay cần tập trung vào các giá trị nhân bản. Đặc biệt, kiến trúc có thể giúp những cộng đồng thiệt thòi bộc lộ vẻ đẹp văn hóa bản địa, có nguy cơ đang bị huỷ hoại và sáp nhập bởi các kiến trúc thực dụng, ngoại lai. Nói cách khác, kiến trúc nên được thực hành mang lại hạnh phúc cho cộng đồng, và đồng thời, cho phép KTS đạt được hạnh phúc của chính mình thông qua hoạt động nghề nghiệp có trách nhiệm xã hội và nhân văn.
Triết lý Kiến trúc Hạnh phúc góp phần giải quyết nhiều vấn đề hiện tại và gợi mở hướng đi của kiến trúc tương lai. Thực hành phương thức “Kiến trúc Hạnh phúc = Kiến trúc sư Hạnh phúc + Công trình Hạnh phúc + Người sử dụng Hạnh phúc”, chúng tôi hy vọng không chỉ đơn thuần tạo ra các tòa nhà/tổ hợp không gian tiện ích, hiệu quả, đáp ứng phát triển kinh tế xã hội. Quan trọng hơn, KTHP đã và đang phụng sự tương lai của văn hóa và con người.
The philosophy of Happiness Architecture in the age of globalization
Abstract. Nowadays, globalization has brought the world closer than ever, yet at the same time, pushed disadvantaged communities and minorities further away from majority groups. Moreover, the massive urbanization with its imitated designs and imposed aesthetic is constantly making humand spiritual life monotonous. Besides, unbalanced development, as obviously seen, has caused many areas over-exploited and over-populated, while others are left isolated, neglected, lack of information and education. So, the task of an architect today is not just to satisfy the investor’s interests but more challengingly, is to find ways to serve those disadvantaged/neglected communities. More than ever, the contemporary architecture should, first and foremost, focus on the basic needs of human beings. In particular, architecture should be able to help marginalized communities to reveal the beauty of their indigenous cultural values that are at the brim of being destroyed and annexed gradually by the modern/exotic architecture. In other words, architecture should be practised in such a way that can bring about happy living for the communites, and at the same time, by so doing, enable the architect to achieve satisfaction, social reponsibility and lofty aspiration at work.
We propose the philosophy of Happiness Architecture and consider it as the key to solve the above problems. Based on the formula “Happiness Architecture = Happiness Architect + Happiness Users + Happiness Buildings”, the architecture solutions of our professional practice are not merely for creating convenient and useful buildings/housing complexes and spaces, but more importantly for the sake of culture and human.
Tài liệu tham khảo
[1] Long Pham, Interview with Architect Thuc Hao Hoang – Happiness Architecture, Ray of Light Magazine, Ministry of Science of Technology, No. 22, 2015, pp. 34-37.
[2] Hoang Thuc Hao, “Happiness Architecture”, Construe & Construct VI (Series of lecture & exhibition), Singapore, 3 March, 2017 (Private Document).
[3] 6th SIA-GETZ Architecture Prize, Genesis, The Singapore Architect, 06, 2017, pp. 146-149.
[4] Sonja Lyubomirsky, Kennon M. Sheldon, David Schkade, “Pursuing Happiness: The Architecture of Sustainable Change”, Review of General Psychology, 2005, Vol. 9, No. 2, 111–131.
http://sonjalyubomirsky.com/wp-content/themes/sonjalyubomirsky/papers/LSS2005.pdf
[5] United Nations, The General Assembly, “Happiness: towards a holistic approach to development”, A/RES/65/309, in its resolution 65/309, http://www.un.org/en/ga/search/view_doc.asp?symbol=A/RES/65/309
[6] John F. Helliwell, Richard Layard, and Jeffrey Sachs, WORLD HAPPINESS REPORT 2015,
http://worldhappiness.report/wp-content/uploads/sites/2/2015/04/WHR15.pdf
[7] “Sustainable Happiness and Sustainable Development”, Proceeding, International Forum on the occasion of UN International Day of Happiness, Thailand, March 20, 2015.
http://www.happysociety.org/uploads/HsoDownload/9499/download_file.pdf
[8] Edgar Morin, Anne Brigitte Kern, “Homeland Earth : A Manifesto for the New Millennium”, Hampton Press, 1999.
[9] Robert Adam, “The Globalisation of Modern Architecture”, Cambridge Scholars Publishing, 2012.
Xem thêm: KTS Hoàng Thúc Hào: “Chúng tôi theo đuổi kiến trúc hạnh phúc”
KTS Hoàng Thúc Hào: Kiến trúc vì cộng đồng và Triết lý kiến trúc Hạnh phúc 1
Hoàng Thúc Hào [8,9], Phạm Long [1]
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03 – 2017)